Khi không có các bất thường cấu trúc đường thở, nhiễm virut đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp khò khè ở trẻ em, trong đó, hợp bào hô hấp là loại virut thường gặp nhất. Do thiếu những phương pháp điều trị đặc hiệu virut nên việc điều trị khò khè do virut ở trẻ em là không có sự khác biệt giữa các loại virut. Nói chung, các phương pháp điều trị này phần lớn được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm của các thầy thuốc.
Thuốc giãn phế quản: Là nhóm thuốc được dùng rất phổ biến trong điều trị khò khè ở trẻ em, tuy nhiên, việc sử dụng chúng một cách thường quy vẫn còn nhiều tranh cãi và nhiều nghiên cứu đã không tìm ra những bằng chứng khách quan về lợi ích của chúng. Salbutamol (albuterol) là thuốc được sử dụng rộng rãi nhất cho chỉ định này, tuy nhiên, các bằng chứng y học về hiệu quả điều trị của thuốc không hằng định. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ đã chỉ ra lợi ích của salbutamol đường khí dung trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut ở trẻ em dưới 2 tuổi với việc cải thiện triệu chứng và nồng độ ôxy trong máu. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại không tìm thấy tác dụng ổn định của salbutamol trong chỉ định này.
Phần lớn các nghiên cứu đều nhận thấy sự cải thiện triệu chứng bệnh xảy ra nhanh chóng sau dùng thuốc nhưng phần lớn những sự cải thiện này đều không kéo dài quá 60 phút. Tóm lại, lợi ích của salbutamol trong điều trị viêm tiểu phế quản là không hằng định, do đó, cần theo dõi sự đáp ứng của từng cá thể và ngưng sử dụng nếu không có sự cải thiện rõ rệt. Adrenalin (epinephrine) cũng là một thuốc giãn phế quản được sử dụng khá thường xuyên trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut có tắc nghẽn đường thở. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như gây nhịp tim nhanh, run chân tay, hạ kali máu, hạ đường máu..., do đó, không được sử dụng trong điều trị ngoại trú tại nhà.
Nhiễm virut đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân của nhiều trường hợp khò khè ở trẻ. |
Thuốc kháng cholinergic: Các dẫn xuất kháng cholinergic như ipratropium bromide... không được tìm thấy có hiệu quả trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut. Một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả của ipratropium đơn thuần hoặc phối hợp với salbutamol chỉ tìm thấy những sự cải thiện nhỏ của nồng độ ôxy máu nhưng không tìm thấy lợi ích rõ rệt và ổn định đối với diễn biến và tiên lượng của bệnh.
Kháng sinh: Mặc dù kháng sinh không có tác dụng đối với virut nhưng nhóm thuốc này vẫn được sử dụng khá phổ biến trong điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Khảo sát ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, 34 - 99% số trẻ bị viêm tiểu phế quản do virut vẫn được dùng kháng sinh. Lý do sử dụng kháng sinh thường do trẻ có sốt và rất khó để phân biệt nguyên nhân sốt là do nhiễm vi khuẩn hay nhiễm virut. Nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn ở những trẻ bị viêm tiểu phế quản do virut dao động trong khoảng 0,2-26%. Nói chung, kháng sinh được khuyến cáo dùng trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut chỉ khi có bằng chứng rõ ràng của việc bội nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp đó, việc sử dụng kháng sinh không có khác biệt so với những trường hợp không có viêm tiểu phế quản.
Thuốc kháng leukotriene: Các bằng chứng thực nghiệm ở động vật cho thấy các leukotriene được giải phóng khi có tình trạng nhiễm virut cũng như phản ứng viêm và tình trạng tăng tính phản ứng đường thở. Điều này gợi ý các thuốc kháng leukotriene có thể có một vai trò trong điều trị viêm tiểu phế quản cấp do virut. Nhiều nghiên cứu được tiến hành trong những năm qua đã phần nào khẳng định hiệu quả của tiếp cận điều trị này trong thực tế.
Theo những nghiên cứu này, montelukast (một dẫn xuất kháng leukotriene), giúp tăng số ngày không triệu chứng và giảm triệu chứng ho về ban ngày so với giả dược khi được dùng điều trị kéo dài trong và sau đợt cấp của viêm tiểu phế quản do virut. Nói chung, hiệu quả của montelukast ở trẻ nhỏ rõ rệt hơn so với các trẻ lớn, điều này được cho là do sự khác biệt trong sản xuất leukotriene liên quan đến tuổi. Hiện nay, vai trò dự phòng viêm tiểu phế quản khi được dùng trước mùa virut của các thuốc kháng leukotriene là vấn đề vẫn đang cần được nghiên cứu tìm lời giải.
BS.Nguyễn Hữu Trường (BV Bạch Mai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét